Bảo vệ thương hiệu nhìn từ Phở Thìn

0
88
Câu chuyện bảo vệ thương hiệu, chuyển nhượng thương hiệu cũng như đăng ký văn bằng bảo hộ cần được chú trọng hơn.
Ông Nguyễn Trọng Thìn – “cha đẻ” Phở Thìn 13 Lò Đúc. Ảnh: cafef.vn

Vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn với các “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc đã thu hút sự quan tâm của dự luận những ngày qua.

Trong khi ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào thì ông Đoàn Hải Trung, CEO kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội lại khẳng định mình là Giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn.

Đồng thời, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phở Thìn Hà Nội cũng khẳng định đã chuyển khoản cho ông Thìn gần 1,5 tỷ đồng để mở các chi nhánh kinh doanh dưới tên thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.

Từ đây, câu chuyện bảo vệ thương hiệu, chuyển nhượng thương hiệu cũng như đăng ký văn bằng bảo hộ lại được xới lên. Vì trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh còn thờ ơ, không chú trọng đến việc này.

Hiện Hà Nội hiện có hai thương hiệu Phở Thìn gồm Phở Thìn Bờ Hồ do ông Bùi Chí Thìn thành lập năm 1955 và Phở Thìn 13 Lò Đúc do ông Nguyễn Trọng Thìn thành lập năm 1979.

Năm 2005, Phở Thìn Bờ Hồ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn, theo các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 61194 và 277810. Năm 2013, sau khi hết hạn bảo hộ thương hiệu, cửa hàng tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký. Hai năm sau, thương hiệu Phở Thìn được cấp bằng, có hiệu lực đến cuối năm 2024.

Liên quan đến vấn đề này, hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ Cà phê Trung Nguyên. Năm 2000, người chủ của nó đã phải tiến hành một cuộc chiến giành lại thương hiệu đầy gian nan khi phải mua lại chính nhãn hiệu của mình trên thị trường Mỹ. Vì chưa tiến hành đăng ký bảo vệ thương hiệu, Công ty Rice Field của Mỹ đã đăng kí bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu khi đã tốn hàng trăm nghìn USD.

Phở Thìn mở hơn 40 năm, chỉ bán một món duy nhất là phở tái lăn (Ảnh: Phở Thìn Lò Đúc)

Cà phê trái cây Meet More – thương hiệu cà phê trái cây đầu tiên ở Việt Nam, vào năm 2019 cũng suýt chút nữa thì bị “nẫng tay trên” khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, do mải lo xuất hàng mà “không kịp” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại.

Còn một vụ việc cũng rất đình đám là gạo ST25 từng bị mất thương quyền ở Mỹ. Đây là loại gạo “cực phẩm”, từng giành những giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi gạo ngon thế giới. Nhưng cũng chỉ vì không chú ý đúng mức đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi kinh doanh ở nước ngoài nên cũng khá lận đận.

Hoặc, Vinataba từng mất tỷ đồng chuộc thương hiệu. Năm 2002, thương hiệu Vinataba – thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) đánh cắp tại Lào và Campuchia và chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean…v..v.

Thực tế này cho thấy, thương hiệu, một tài sản của doanh nghiệp dễ bị “bắt cóc” nhưng lại hay bị lãng quên. Dù đã được cảnh tỉnh bởi các cơ quan chức năng nhưng vì tính chủ quan, nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tốn không ít chi phí và công sức để giành lại thương hiệu vốn thuộc về mình. Vấn đề này không ngoại trừ một thương hiệu lớn hay nhỏ nào.

Nói cách khác, nhiều người kinh doanh quá quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận nhưng lại mơ hồ trong việc bảo vệ tài sản của mình, mà ở đây là sở hữu trí tuệ. Chỉ đến khi có tranh chấp thì mới “chạy đôn chạy đáo”, trong khi chứng lý không chắc chắn so với phía chiếm dụng thương hiệu.

TS Nguyễn Văn Viễn, Ủy viên Thường vụ Hội Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Trung tâm tư vấn Sở hữu trí tuệ và Đầu tư, cho rằng nếu thương hiệu Phở Thìn đã được cấp cho cá nhân/hộ kinh doanh (Phở Thìn Bờ Hồ – PV) thì những người nộp đơn sau như Phở Thìn Lò Đúc sẽ khó được chấp nhận đăng ký bảo hộ.

“Mỗi nhãn hiệu chỉ được bảo hộ cho một cơ sở kinh doanh, hoặc có thể chấp nhận cho 2-3 cơ sở, nhưng trong trường hợp phải cùng nhau nộp đơn, cùng nhau tuyên bố sở hữu nhãn hiệu đó”, ông Viễn nói và cho biết việc đăng ký bảo hộ một thương hiệu thường rất phức tạp và dựa trên nhiều yếu tố.

Như vậy, thương hiệu là cả tài sản của một cá nhân, doanh nghiệp, trong khi chuyện “nhái” thương hiệu, tranh chấp thương hiệu, đòi lại thương hiệu với những cuộc chiến pháp lý phức tạp rất phức tạp.

Do vậy, thông qua câu chuyện đánh mất thương hiệu, cạnh tranh thương hiệu… các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận định sớm và đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phòng những hậu quả đáng tiếc về sau.

Chậm trễ một phút thôi cũng đủ để khiến công sức xây dựng mấy chục năm trời tan thành mây khói. Đừng để cứ “mất bò mới lo làm chuồng”!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây