Doanh nghiệp ICT quan tâm điều gì nhất khi ra nước ngoài?

0
142
Chinh phục thị trường nước ngoài là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp ICT nhưng trên hành trình ra toàn cầu, doanh nghiệp có một số trăn trở.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông Việt Nam (VINASA) cho biết: trên thị trường quốc tế, chiến lược “Trung Quốc + 1” đang phát huy tác dụng mạnh mẽ trong khi tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ rất nhanh. Tại châu Âu, tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu tìm kiếm đối tác cung cấp dịch vụ của các quốc gia châu Âu tăng lên rõ rệt.

Các thị trường quốc tế khác cũng như ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng do sự thiếu hụt về nguồn nhân lực công nghiệp thông tin. Đây chính là cơ hội dành cho doanh nghiệp ICT Việt Nam. Theo đại diện VINASA, để nắm bắt cơ hội và duy trì tốc độ phát triển, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp.

Phó Chủ tịch VINASA Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ thông tin

Với mục đích tìm hiểu nhu cầu, mong muốn và các vấn đề quan tâm của doanh nghiệp ICT khi tham gia thị trường quốc tế, VINASA vừa thực hiện khảo sát. Theo đó, 3 nhóm vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất là thị trường (74,6%), chiến lược tiếp cận thị trường (72,6%), các kênh và cách thức tiếp cận (68,3%). Các nhóm vấn đề tiếp theo là kinh phí và kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước.

Về thị trường, theo khảo sát, khu vực Đông Nam Á, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường được các doanh nghiệp ICT Việt Nam ưu tiên lựa chọn khi vươn ra toàn cầu.

Doanh nghiệp ICT cũng thể hiện sự quan tâm đến hoạt động, giao thương xúc tiến thương mại. Trong đó, hơn 80% doanh nghiệp được hỏi có nhu cầu tham gia hội thảo; khoảng 60% mong muốn tham gia các đoàn giao thương quốc tế. Khi quyết định tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, hơn 84% doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn tham gia các đoàn, chương trình của cơ quan, tổ chức và hiệp hội.

Đến cuối năm 2022, theo Bộ Thông tin Truyền thông, đã có 1.400 doanh nghiệp ICT có sản phẩm công nghệ “Make in Việt Nam” bán ra ở thị trường nước ngoài. Con số này còn khiêm tốn so với số lượng và năng lực doanh nghiệp ICT Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, thời điểm hiện nay, các chính sách ưu đãi cho ngành đang rất tốt như các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực phần mềm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu tiên và giảm 50% thuế thu nhập trong 9 năm tiếp theo. Chính sách ưu đãi này không nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Tương tự, với doanh nghiệp sản xuất phần cứng được ưu đãi miễn thuế linh kiện nhập khẩu cho mặt hàng mà doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị dùng để sản xuất các linh kiện phần cứng.

Nhà hàng tại Myanmar sử dụng phần mềm Quản lý nhà hàng, quán ăn, quán cafe của công ty Misa Việt Nam

Tạo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước nhưng chính sách xúc tiến thương mại và kết nối giao thương chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với năng lực của doanh nghiệp ICT. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, khi tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài, doanh nghiệp Việt có phần chạnh lòng bởi gần như tự lo gian hàng với quy mô trưng bày hạn chế trong khi nhìn sang nước bạn, được hỗ trợ kinh phí nên gian trưng bày ấn tượng, nổi bật, thu hút sự quan tâm của đối tác.

Một số nước trong khu vực Đông Á, đơn cử như Hàn Quốc, mỗi năm có 3 tỷ USD dành cho xúc tiến thương mại công nghệ thông tin nên họ có những chương trình quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, có chi phí cho doanh nghiệp và các gian hàng ở hội nghị quốc tế. Còn Việt Nam thì chưa có ngay được điều đó. Vì vậy, trong năm 2023, cùng với các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương của các hiệp hội, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương quảng bá, tăng cường hiện diện của sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam trên thị trường quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây