Khổ như… Người giàu nhất thế giới

0
196

Trong lịch sử, Nizam VII (6.4.1886-24.2.1967) của Tiểu vương quốc Hyderabad, Ấn Độ là người giàu có nhất. Chỉ số vàng ông có đã trị giá 100 triệu bảng Anh, còn ngọc là 400 triệu bảng.

Đổi sang tiền tệ ngày nay, chúng vào khoảng 50 tỷ bảng Anh, tức là tương đương 1.431.285 tỷ VNĐ. Nhưng nhà vua này lại chỉ cho phép bản thân tiêu đúng 1 bảng Anh/tuần. Ông hà tiện đến nỗi cả đời mặc đi mặc lại áo quần cũ, hút thuốc lá rẻ tiền, nằm ngủ co quắp ngoài hiên…

Đức vua Nizam cuối cùng

Nizam VII của Hyderabad (7th Nizam of Hyderabad, 6.4.1886-24.2.1967) là quốc vương của Hyderabad, một bang của Ấn Độ. Ông lên ngôi vào năm 1911, được gọi là Ngài Osman Ali Khan. Hyderabad là vùng đất có diện tích 215.339km2 và nền kinh tế giàu có nhất tiểu lục địa. Nó được gia tộc Nizam cai trị từ năm 1724-1948. Mọi vị vua Nizam đều có vàng ngọc chất đống trong cung điện. Năm 1798, Đế quốc Anh thành công ép Nizam II ký thỏa thuận chấp nhận sự bảo hộ. Hyderabad biến thành thuộc địa của Anh, nhưng các quốc vương của nó vẫn toàn quyền tài sản và quản lý. Nizam VII lên ngôi năm 1911. Ông hết sức tận trung với nước Anh, được phong danh hiệu “đồng minh trung thành nhất của Đế quốc”.

Năm 1947, Ấn Độ giành được độc lập. Ali Khan bắt buộc phải lựa chọn, gia nhập Ấn Độ hay tự lập vương quốc. Cá nhân ông muốn xây dựng nhà nước riêng, nhưng vì quân lực yếu nên chỉ sau một năm, Hyderabad đã bị sáp nhập vào Ấn Độ. Mặc dù thất bại, Ali Khan vẫn được giữ làm thống đốc. Ông tiếp tục cai quản Hyderabad cho đến ngày 31.10.1956.

Giàu nhất mọi thời đại

Nizam VII có rất nhiều cống hiến, bao gồm từ quyên góp, từ thiện cho đến giáo dục, tài chính, cải cách nông nghiệp, phòng chống lũ lụt… Tuy nhiên, điều gây ấn tượng xuyên thời đại vẫn là danh hiệu “Người giàu có nhất”. Ông nhiều vàng bạc, châu báu đến nỗi, ngay cả đồ chặn giấy cũng là viên kim cương khổng lồ 185 cara, to bằng quả trứng đà điểu.

Lượng vàng, ngọc Ali Khan sở hữu siêu khủng: 100 triệu bảng Anh vàng + 400 triệu bảng Anh ngọc. Nếu đổi sang tiền tệ ngày nay, chúng vào khoảng 50 tỷ bảng Anh (tương đương 1.431.285 tỷ VNĐ). Ước tính tổng tài sản của ông lên tới 187 tỷ bảng Anh (tương đương 5.095.375 VNĐ). Cho dù so với người đương thời hay cổ-kim, Nizam VII đều xứng danh “người đàn ông giàu nhất”.

Với vương vị và tài lực khổng lồ này, Ali Khan có hẳn 3.000 cận vệ túc trực, bảo vệ an toàn 24/7. Trong cung điện xa hoa của ông, có tổng cộng 12.000 người hầu. Chỉ nhân viên phủi bụi đèn cũng đến 38 người. Hầu cận rót nước thì 28 người, nhân viên đập quả óc chó cũng nguyên một đội.

Mỗi lần phải ra ngoài, Ali Khan đều có xe hơi siêu sang trọng Rolls-Royce sẵn sàng đón rước. Người ta gọi nó là “kiệu vàng động cơ” bởi bên trong có ghế vàng, được bọc bởi lụa vàng thật 100%. Ali Khan có hẳn 50 chiếc Rolls-Royce. Ông còn sở hữu nhà máy sản xuất rượu whisky tư, ban nhạc jazz riêng chơi đi chơi lại bài hát yêu thích “I’m Forever Blowing Bubbles”.

Bủn xỉn bất ngờ

Nửa đầu thế kỷ XX, Hyderabad chịu rất nhiều biến động. Nazim Thứ 7 luôn nhấp nhổm không yên, chỉ lo làm sao chạy trốn với tất cả tài sản nếu lỡ có biến. Trong một góc vườn của cung điện, nhà vua cho xếp một hàng xe tải dài. Trên các thùng xe đều chất đầy đá quý và vàng thỏi.

Cứ ngỡ với chừng đó vàng bạc, châu báu, Ali Khan tha hồ ăn ngon mặc đẹp. Thế nhưng, vị vua này hà tiện còn quá lão hà tiện Harpagon của Molière. Dù có hẳn một tủ quần áo dài nửa dặm, treo la liệt các trang phục cao cấp, Ali Khan luôn mặc đi mặc lại một bộ đồ. Từ tất chân đến quần ren, ông đều dùng tới rách bươm, không sử dụng được nữa mới chịu bỏ. Đồ ngự thiện cũng chỉ có một chiếc đĩa bằng thiếc. Món tráng miệng là một viên thuốc phiện và một điếu thuốc lá cuốn bằng tay (loại rẻ nhất).

Ali Khan tự định mức sinh hoạt phí 1 bảng/tuần và nghiêm ngặt tuân thủ. Ông từng sai người hầu đi mua chăn mới mà cấm trả hơn 25 rupee/cái. Giá thành một chiếc chăn mới lúc ấy thấp nhất cũng 35 rupee/cái. Người hầu tay đành không trở về, còn Ali Khan tiếp tục dùng cái chăn cũ. Lúc về già, ông còn nằm ngủ trên sàn hiên, co quắp như con tôm vì rét.

Chỉ với Vương quốc Anh, Ali Khan mới cực kỳ hào phóng. Trong 2 cuộc thế chiến, ông quyên góp cho họ tổng cộng 25 triệu bảng. Mỗi lần có khách quý từ “mẫu quốc” ghé thăm, Nazim VII đều tiếp đón nồng hậu. Năm 1947, khi công chúa Elizabeth kết hôn với Quận công Philip, ông gửi tặng nữ hoàng chiếc vòng cổ kim cương to đẹp tuyệt trần.

Trung bình mỗi năm, Ali Khan tổ chức 4 đại tiệc, mời hàng ngàn người tới dự. Mọi khách tham gia đều phải… đóng phí, bằng phong bì tiền mặt hoặc vàng bạc. Nhà vua đích thân đi thu, gom đút hết vào các bao tải. Tàn tiệc, ông ra lệnh đổ ra, phân loại tiền bạc và đánh bóng châu báu. Phải mất 3 ngày, nhóm chuyên phụ trách mới làm xong.

Vật vờ vì lắm vợ, khổ sở bởi nhiều con

Ngày 14.4.1920, Ali Khan làm lễ đại hôn, sánh đôi với Sahebzadi Azmath unlisa Begum (1889-1955). Như hầu hết các vị vua của văn hóa châu Á gia trưởng, ông có rất nhiều thiếp bên cạnh chính thê. Ali Khan có 4 người vợ, 42 người thiếp hợp pháp và 34 người con.

Ali Khan yêu tất cả thê thiếp nên đêm nào cũng cực kỳ bận rộn. Trên chuyến du công sang Anh vào năm 1934, ông đưa theo toàn bộ hậu cung. Ban ngày, vị vua này luôn trong trạng thái lờ đờ. Người ta gọi ông là “Đức vua Kiệt sức”. Ali Khan không khó chịu mà ngược lại, nấy làm thích thú. Ông luôn phô trương là người lắm vợ, nhiều con nhất

Có điều, “lắm vợ nhiều con” cũng không hẳn chỉ toàn hạnh phúc. Cái vui được đông con chúc mừng sinh nhật nhanh chóng tan đi khi tiệc tàn. Còn cái đòi hỏi “phụ vương phải giúp” thì chất cao như núi. Các đại hoàng tử của 4 chính phi thi nhau ăn chơi, “đem về” cho Ali Khan những khoản nợ to đùng. Các công chúa, hoàng tử của 42 phi tần khác không kém cạnh. Ai nấy hào phóng tặng vua cha những món ngon, vật quý, sau đó mè nheo đòi “hỗ trợ”. Ali Khan phải lập một tài khoản riêng tại Ngân hàng Westminster (chi nhánh của Ngân hàng NatWest, London ở Ấn Độ), gửi vào 1 triệu bảng, để dành trả nợ cho các con.

Năm 1947, quân đội Anh phải rút khỏi Ấn Độ. Ali Khan đứng ngồi không yên, sợ 1 triệu bảng này sẽ bị chính phủ mới chiếm đoạt. Tuy nhiên, Ấn Độ đã không đụng gì đến nó. Suốt 70 năm kế tiếp, các con cháu của Nazim VII kiện tụng, giành giật nhau số tiền này. Cuối cùng, vào năm 2017, nó được Tòa án Tối cao quyết định chia cho các cháu trai của ông. Đến lúc này, 1 triệu bảng đã lãi mẹ đẻ lãi con, thành 35 triệu bảng (tương đương 1.002 tỷ VNĐ).

Ngày 24.2.1967, Ali Khan qua đời. Trong di ngôn, ông dặn dò hãy an táng mình tại Nhà thờ Masjid-e Judi, nơi mẹ ông yên nghỉ. Ngày 25 cùng tháng, Ấn Độ phát quốc tang. Kế vị ông là Nazim Thứ 8 (không chính thức), cháu trai ruột. Vị Nazim này di cư đến Úc, mở một trang trại cừu, hiện 85 tuổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây