Tiếp sức người nghèo trong mùa dịch Covid-19: Nhân lên nụ cười, giảm đi khốn khó

0
222

Trong những ngày cao điểm dịch Covid-19 ở Việt Nam, công ăn việc làm không có nên mất thu nhập, không ít gia đình nghèo phải lao đao lo chạy ăn từng bữa.

Làm việc không ngày nghỉ, “say” vì nước khử khuẩn

“Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới cả thế giới, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn” – nhận định tình hình này, đã quyết định nhanh chóng kết nối tổ chức loạt chương trình “Chia sẻ yêu thương, Lan toả sức sống” nhằm tặng gạo và nhu yếu phẩm cho người dân nghèo, người dân ở vùng dịch. “Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Báo NTNN hết sức quan tâm đến hoạt động từ thiện xã hội. Chúng tôi tập trung vào những thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ, dịch bệnh để giúp đỡ, hỗ trợ người dân. Đợt dịch Covid-19 cũng là trường hợp như vậy” – nhà báo Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập Báo NTNN cho biết.

Ngày 17/4, chương trình đầu tiên được Báo tổ chức tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) nhằm cung cấp gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân đang bị cách ly ở đây. Nhớ về những ngày chuẩn bị tổ chức chương trình, bà Tống Hương – Phó trưởng Ban Bạn đọc Báo NTNN chia sẻ: “Vào những ngày đó, mọi người đang thực hiện giãn cách xã hội, họ làm việc ở nhà thì chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ. Những cuộc điện thoại đi – đến liên tục không kể ngày đêm. Từ việc kêu gọi kết nối đến công tác trao tặng phải tỉ mỉ từng chút vì nếu để xảy ra một sai sót, có ai đó bị nhiễm Covid-19 là mọi chuyện sẽ nguy hiểm vô cùng”.

GOP/Báo NTNN tiếp sức người nghèo trong mùa  dịch Covid-19: Nhân lên nụ cười, giảm đi khốn khó  - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập Báo NTNN tặng gạo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Trọng Hiếu

Chương trình ở Hạ Lôi, việc trao tặng gạo và các nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế chỉ diễn ra tại chốt kiểm dịch ngoài thôn. Người vận chuyển, phương tiện cũng như hàng hóa đều được xịt khuẩn, kiểm dịch y tế và thực hiện giãn cách đúng quy định. Tuy nhiên, việc khử trùng đã khiến cho một số thành viên trong đoàn bị… sốc vì hít ngửi thuốc sát khuẩn.

Hay như chương trình ở 13 Thụy Khuê, trước giờ tổ chức, trời đã mưa như trút nước, Báo và các nhà hảo tâm đã nghĩ rằng phải hoãn việc trao tặng. Thế nhưng, dường như ông trời thương và hiểu cho nỗi vất vả của người dân cũng như người tổ chức nên đã ngừng mưa khi chương trình sắp bắt đầu.

“Trong những chương trình chúng tôi tặng gạo và nhu yếu phẩm, người dân mong được nhận để vượt qua khó khăn của ngày dịch, nhưng cũng có nhiều trường hợp đến muộn hoặc khi đến lượt đã hết phần quà nên đành phải ngậm ngùi trở về tay không. Nhìn những cảnh đó, chúng tôi rất thương và quyết tâm phải giúp được nhiều người nghèo hơn. Đó chính là động lực để chúng tôi liên tiếp thực hiện 7 chương trình phát gạo và nhu yếu phẩm cho bà con nghèo” – bà Tống Hương cho biết.

“Có gạo ít ra mình không lo đói”

Khi nghe tin Báo NTNN tổ chức phát gạo miễn phí, bà Nguyễn Thị Luân (SN 1960) trú tại Ngọc Mạch, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, đã không ngại đi bộ hơn 10km đến trụ sở báo mong nhận được suất quà. Hoàn cảnh của bà Luân khiến ai nghe cũng không cầm được nước mắt. Năm 18 tuổi, bà bị tai nạn lao động khi đang làm công nhân nhà máy gạch khiến tay phải bị cụt. Năm 2015, bà bị tai nạn gãy xương chậu, nằm liệt hơn 2 năm, sau đó dù có thể đi lại được nhưng bước đi cũng đầy khó khăn, đau đớn. Không có chồng, bà được mọi người động viên “kiếm đứa con để tuổi già còn cậy nhờ”. Thế nhưng, cuộc đời đã không cho bà thỏa nguyện, bà có 2 con nhưng người con đầu đã mất, người con trai thứ 2 thì mắc chứng tự kỷ và động kinh và thường có hành động gây nguy hiểm cho mẹ.

GOP/Báo NTNN tiếp sức người nghèo trong mùa  dịch Covid-19: Nhân lên nụ cười, giảm đi khốn khó  - Ảnh 2.

Báo NTNN trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân tại thôn Hạ Lôi. Ảnh Minh Tiến

Để lo cho cuộc sống hàng ngày, bà Luân đi nhặt ve chai đem bán, mỗi ngày kiếm được khoảng 30.000 đồng. Những ngày may mắn, có người hiểu và thương cho hoàn cảnh của bà đã cho thêm ve chai và tiền thì bà có được khoảng 70.000-80.000 đồng.

Nói về mưu sinh của 2 mẹ con trong những ngày dịch, bà Luân nghẹn ngào: “Dịch xảy ra, hai mẹ con chỉ có thể ở trong nhà, có những ngày không có gạo hay thức ăn gì. Một lần có đoàn từ thiện đến cho chúng tôi 2 thùng mì tôm, hoặc khi nghe tin có một số nơi phát gạo từ thiện thì tôi đến xin gạo. Bữa đói bữa no, mẹ con phải tằn tiện từng chút một mới đủ, mong cho qua mùa dịch nhanh chóng để còn đi làm”.

Từ ngày 17/4 – 9/5, Báo NTNN tổ chức đã 7 chương trình “Chia sẻ yêu thương – Lan tỏa sự sống” tại các địa điểm: Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, (huyện Mê Linh, Hà Nội), xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Kết nối nông sản Báo NTNN (13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), Toà soạn Báo NTNN (Lô E2 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội), Trường Đại học Dược (Hà Nội), tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh vùng Đông Bắc. Chương trình đã trao tặng gần 47.000kg gạo, hơn 19.000 quả trứng, dầu ăn, gia vị (bột canh, mì chính, nước mắm…), khẩu trang y tế và nước rửa tay.

Trong chương trình phát gạo miễn phí do Báo NTNN tổ chức, mỗi người chỉ được 1 suất, nhưng khi biết được hoàn cảnh éo le của bà Luân, Báo đã tặng mẹ con bà 2 suất (10kg gạo). Nhận 2 suất quà, bà Luân đã bật khóc: “Được cho 1 – 2kg gạo đã quý lắm, nay Báo NTNN quan tâm, hiểu cho hoàn cảnh mẹ con tôi và cho 2 suất trong lúc đói ăn thế này, mẹ con tôi vô cùng cảm tạ. Chưa bao giờ mẹ con tôi có trong nhà nhiều gạo đến vậy”.

Câu chuyện về hoàn cảnh của chị Lê Thị Nga (43 tuổi) ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cũng đầy thương cảm. Chị Nga cho biết, đang học lớp 1 thì chị bị một trận sốt rất nặng, từ đó 2 chân bị tật, đi lại khó khăn. Chị phải nghỉ học từ đó. Giờ đây, bố mẹ chị đã ở tuổi “xưa nay hiếm” lại đau yếu thường xuyên. Tất cả mọi việc nhà đều trông chờ ở chị Nga. Không biết chữ, chị học hỏi rồi làm nghề đánh giày, bán tăm bông… Những ngày không dịch, chị đi làm từ 5 – 22 giờ, kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày; từ ngày có dịch thì chỉ được khoảng 30.000 – 40.000 đồng. Để có tiền lo thuốc thang cho bố mẹ, chị Nga chỉ dám ăn lương khô, bánh mì trừ bữa.

“Cả đợt dịch, mình không làm được ra tiền nên bố mẹ mình cũng không có tiền mua thuốc. Vừa hết đợt giãn cách xã hội, bố điện hỏi có tiền gửi về cho mẹ mua thuốc, nhưng mình mới chỉ đi làm được 2 hôm nên không có. May mình được chủ khu trọ cho một ít tiền để gửi về mua thuốc cho bố mẹ” – chị Nga kể.

Nhiều người ở xóm trọ thương tình nên khi biết tin ở Báo NTNN có tổ chức phát gạo miễn phí, họ đã báo cho chị Nga. Chị bán nước ở gần đó cũng thương tình chở chị Nga đi nhận gạo.

Khi được hỏi suất gạo nhận được, chị sẽ ăn được khoảng trong bao lâu, chị Nga cười nói: “5kg gạo này, mình đủ ăn được nửa tháng. Có dịch, không đi làm được, không có tiền mua thuốc cho bố mẹ, nhưng có gạo tặng này ít ra mình cũng không lo đói”.

Cầm túi gạo nặng trên tay ra về, tấm lưng của chị Nga cũng nặng trĩu thêm, bước chân cũng khó khăn hơn, nhưng chắc rằng chị đã có thêm chút niềm vui.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây