Ông Sadaharu Kato – TGĐ Công ty TNHH Kinh doanh lốp xe Bridgestone Việt Nam: “Chúng tôi luôn mong đóng góp vào sự an toàn của người Việt Nam”

0
208

Gần 20 năm ở vị trí lãnh đạo công ty ở Mỹ, Nhật Bản và vài quốc gia khác, ông Sadaharu Kato nhận nhiệm vụ tại Việt Nam trong một tâm thế đầy lạc quan, bởi với ông “Kinh doanh ở bất cứ nơi đâu cũng phải bắt đầu từ tâm”.

* Ông có thể giải thích vì sao “Kinh doanh phải bắt đầu từ tâm”?

– Bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải xem trách nhiệm xã hội là không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh. Ngoài việc sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ và tất nhiên là tạo lợi nhuận nữa, doanh nghiệp phải làm sao mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng và xã hội. Đó chính là kinh doanh từ tâm. Theo tôi, làm ra một sản phẩm không khó nhưng để có một sản phẩm mang lại giá trị thì không đơn giản và điều đó cần một tấm lòng tốt, cần sự thành thật từ tâm của mỗi người, mỗi bộ phận sản xuất, mỗi ban lãnh đạo. Tại Bridgestone, triết lý kinh doanh “từ tâm” bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức an toàn cho nhân viên và đây là cách mà cả Tập đoàn và cá nhân tôi gửi thông điệp này đến khách hàng. Sau một ngày làm việc, lái xe về nhà an toàn và nở  nụ cười hạnh phúc với người thân yêu trong gia đình là hạnh phúc lớn nhất không chỉ riêng tôi mà với mọi người. Với triết lý an toàn, chúng tôi đã thành công ở nhiều thị trường và tại Việt Nam, an toàn giao thông cũng là một trong những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm nên tôi tin có thể đóng góp một phần để mang lại sự an toàn cho người dân. Đơn cử chiến dịch “Bridgestone lăn bánh an toàn” được  triển khai từ đầu năm 2016 đã được nhiều khách hàng hưởng ứng. Bởi ngoài việc truyền tải kiến thức về cách chăm sóc, bảo dưỡng lốp xe định kỳ còn nâng cao ý thức của người lái xe về sự an toàn của hành khách.

* Ông từng nói, bí quyết thành công trong sự nghiệp đến từ cách vượt qua thử thách và luôn hành động với tư duy “chúng ta là một”. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa câu nói này?

– Tên tôi là Sadaharu – được đặt theo tên của một vận động viên bóng chày nổi tiếng tại Nhật Bản – người luôn cố gắng gấp ba lần so với người khác để đạt được kết quả mong muốn. Tôi cũng chơi bóng chày lúc còn đi học. Và đúng như tên gọi mà cha mẹ đã mong mỏi đặt cho tôi, trong suốt sự nghiệp, dù làm bất cứ điều gì, công việc gì, tôi cũng luôn nỗ lực hết sức mình, thậm chí làm  nhiều hơn những gì bản thân có. Chính điều này đã dẫn dắt tôi đến thành công.

Tôi bắt đầu công việc đầu tiên tại Công ty Snow Brand vào năm 2000, kinh doanh phô mai và bơ với nhiệm vụ phân bổ sản phẩm vào quầy kệ, đưa ra các chương trình khuyến mãi và thương thảo với đối tác, khách hàng.

Qua công việc này, tôi rút được nhiều bài học từ bán hàng đến làm việc đội nhóm theo tinh thần “chúng ta là một”. Đơn cử, trong chuỗi bán hàng, quầy kệ phải được thiết kế dựa trên thói quen của người tiêu dùng. Khi mua hàng, người ta thường nhìn xuống. Vì vậy, các mặt hàng phổ thông nên nằm ở khu vực thấp. Hay như bơ xắt lát rất tiện ích trong những bữa tiệc BBQ, vì vậy, khi kỳ nghỉ hè đến, tôi đề xuất mang những sản phẩm này đến khu vực hàng phổ thông để tăng doanh thu. Bên cạnh đó, hằng ngày tôi có mặt tại các siêu thị để kiểm tra kế hoạch có được thực thi tốt hay không và cũng để nhận phản hồi từ khách hàng. Những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã mang đến doanh số bán hàng không nhỏ.

Năm 2002, tôi bắt đầu gia nhập Bridgestone và trải qua nhiều vị trí tại một số quốc gia. Tại đây, tôi phải đối mặt với khá nhiều thử thách, qua đó thu được nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi tại Bridgestone là hỗ trợ các nhóm liên phòng ban. Công việc này đòi hỏi không chỉ liên kết bộ phận kinh doanh mà còn là sản xuất và kho vận để tiếp cận và giành được hợp đồng với hãng Mercedes-Benz trước nhiều đối thủ. Rất nhiều thách thức lúc đó nhưng tôi tự nhủ phải vượt qua để chiến thắng trong cuộc chạy đua này. Cuối cùng, chúng tôi đã giành được hợp đồng cung cấp lốp xe cho dòng S-class của Mercedes-Benz. Chính thành công này đã tiếp cho tôi động lực, niềm tin để mạnh dạn phát triển những bước tiếp theo.

Khi được cử sang làm việc tại Mỹ, thay vì tâm lý lo ngại, tôi lại háo hức. Và bài học tôi thu được tại thị trường này chính là tầm quan trọng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trở lại Nhật Bản, một lần nữa tôi đã phát huy tinh thần làm việc đội nhóm thông qua việc liên kết với bộ phận truyền thông để hợp tác với Aston Martin cho dòng lốp Potenza. Đó cũng là nhờ tinh thần “chúng ta là một”.

* Theo đánh giá của ông, thị trường Việt Nam năng động, tiềm năng nhưng cạnh tranh rất gay gắt. Như vậy chắc là ông đã lường trước thách thức…

– Khi nhận nhiệm vụ phát triển thị trường ASEAN, tôi đã gặp không ít khó khăn nhưng luôn sẵn sàng vượt qua. Tại Indonesia, vẫn tư duy làm việc “chúng ta là một”, tôi tập trung xây dựng các nhóm, liên kết giữa Bridgestone và những khách hàng chính, đưa ra nhiều chương trình gắn kết với người tiêu dùng, chẳng hạn như liên kết với các hội, nhóm ô tô để tăng lượng fan. Thú vị nhất là chúng tôi tiếp cận được đội xe đua Honda để thực hiện chiến lược mở rộng doanh số cho dòng lốp xe mới và sau chiến thắng của đội xe này, doanh số đã tăng vượt bậc.

Tương tự, khi chuyển sang Singapore, mặc dù phải lãnh đạo bộ phận kinh doanh lốp theo xe của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thị trường này bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ nên rất rộng, nhưng cũng bằng tinh thần “chúng ta là một”, chúng tôi đã có những kết quả nhất định.

Trước khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, tôi từng đến Việt Nam vào dịp tài trợ cho sự kiện về an toàn – ASEAN NCAP và thị trường Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Với quy mô dân số 100 triệu dân và mức thu nhập bình quân đầu người dự báo đạt 3.200 – 3.500 USD vào năm 2021, tiềm năng của thị trường ô tô rất lớn, đây cũng là cơ hội cho nhiều hãng lốp xe lớn nhỏ gia nhập và cũng là thách thức cho chính bản thân tôi. Hiện, mỗi ngày nhà máy Bridgestone Việt Nam sản xuất khoảng 25.000 lốp xe, chủ yếu cung cấp cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, chúng tôi đã có những bước đầu thay đổi chiến lược kinh doanh, như sản xuất lốp theo xe cho dòng xe Toyota Innova. Sắp tới Bridgestone sẽ tập trung hơn vào thị trường nội địa và sản xuất nhiều dòng lốp đáp ứng cho thị trường Việt Nam.

* Một trong những bí quyết thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản là tinh thần kaizen. Tinh thần đó được thể hiện như thế nào tại Bridgestone, thưa ông?

– Kaizen được định nghĩa là cải tiến. Khi kaizen được áp dụng vào nơi làm việc có nghĩa là sự cải tiến liên tục liên quan tới tất cả mọi người, từ ban lãnh đạo đến nhân viên. Tại Nhật Bản, kaizen đã có lịch sử hơn 50 năm và vào những năm 1980 và đầu những năm 1990, rất nhiều công ty lớn của Nhật mua bán và sáp nhập được khá nhiều công ty lớn ở Bắc Mỹ (như Bridgestone tiếp quản Firestone, Sony mua Hãng Phim Columbia Pictures) cũng là lúc các nhà lãnh đạo các tập đoàn của Nhật truyền bá phương thức quản lý đối với các công ty con. Chính thời điểm này, kaizen cũng được biết đến như chìa khóa thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Là công ty sản xuất lốp xe, liên quan đến sự an toàn của người dùng, tinh thần kaizen của Bridgestone được thể hiện trong việc cải tiến các dòng lốp theo tiêu chí an toàn cho người sử dụng. Đơn cử năm ngoái, chúng tôi có những sản phẩm được sản xuất với công nghệ cao như Turanza T005A và Alenza 001. Với những cải tiến kỹ thuật về thiết kế, Turanza T005A và Alenza AL01 có khả năng vận hành trên cả đường khô ráo và trơn trượt. Đây là dòng lốp rất an toàn với vùng nhiệt đới nhiều mưa như Việt Nam. Việc nâng cấp các đại lý lên chuẩn B-select của Tập đoàn cũng thể hiện tinh thần kaizen cũng như thể hiện tầm nhìn dài hạn của Bridgestone với thị trường Việt Nam. Với các tiêu chuẩn tại B-select về thiết bị hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp cùng các tiện ích khác, chúng tôi đã tổ chức chương trình Lăn bánh an toàn vừa khuyến mãi, vừa chăm sóc xe, chăm sóc lốp. Đặc biệt trong năm nay, nguồn quỹ bán vé từ chương trình này được sử dụng để tặng mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học tại địa phương. Đây cũng là việc làm cụ thể mà tôi muốn đóng góp cho sự an toàn của người dân Việt Nam.

* Bài học của ông khi làm việc tại Mỹ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bài học ấy được cụ thể hóa tại Việt Nam như thế nào?

– Nhiều nơi ở miền núi của Việt Nam chưa có cầu, mà lại thường bị lũ. Học sinh phải qua sông, qua suối bằng phao nilon hoặc đu dây, thật là nguy hiểm. Để chia sẻ, chúng tôi đang hỗ trợ xây một số cầu, trước mắt sẽ hoàn thành hai cây cầu trong năm nay tại Đắk Lắk và Điện Biên. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đến các trường tiểu học với tên gọi “Biệt đội Bridgestone”. Biệt đội này sẽ truyền tải những kiến thức an toàn cơ bản đến học sinh. Hy vọng chúng tôi sẽ góp phần cải thiện kiến thức an toàn giao thông cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến yếu tố môi trường và con người với những hoạt động cụ thể. Thực hiện quyết định của UBND TP.HCM về việc bắt đầu phân loại rác từ tháng 11/2018, chúng tôi đã phân loại rác tại văn phòng và sẽ tiếp tục lan tỏa cách làm này đến cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Chúng tôi sẽ đến các trường tiểu học, tặng thùng rác và hướng dẫn các em cách phân loại rác.

Chúng tôi có một hoạt động mang tên “Thử thách bước chân”. Từ những bước chân của các thành viên Bridgestone, chúng tôi sẽ ủng hộ số tiền 10.000 USD cho chương trình Phát triển trẻ thơ toàn diện, hỗ trợ cho 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một số trẻ.

* Ông từng chia sẻ “Rất thú vị khi làm việc tại Việt Nam và mong muốn được sống tại Việt Nam”…

– Người Nhật biết đến Việt Nam ngày càng nhiều. Nhiều người Nhật khi nhắc đến Việt Nam đều tỏ ra thích thú, như “Tôi đã từng du lịch Việt Nam đấy!”, hay “Tôi thích ăn phở Việt Nam”. Doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư và kinh doanh cũng ngày một đông. Lễ hội Việt Nam được tổ chức hằng năm ở công viên Yoyogi ngày càng thu hút nhiều người hơn. Tất cả cho thấy hình ảnh Việt Nam đang rất gần với người Nhật. Riêng tôi, ấn tượng về phở, về văn hóa Việt Nam, về các món ăn dân dã đậm bản sắc Việt và cả cuộc sống nhộn nhịp và thân thiện của người dân đã tạo nên những cảm xúc tràn đầy mà tôi truyền đến cho gia đình. Tôi có ba đứa con rất ngoan và tháng 8 tới, vợ con tôi sẽ sang Việt Nam và cùng ở lại đây với tôi.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ và chúc ông cùng gia đình sớm có cuộc sống mới tốt đẹp tại Việt Nam. 

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải xem trách nhiệm xã hội là không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh. Ngoài việc sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ và tất nhiên là tạo lợi nhuận nữa, doanh nghiệp phải làm sao mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng và xã hội. 

Là công ty sản xuất lốp xe, liên quan đến sự an toàn của người dùng, tinh thần kaizen của Bridgestone được thể hiện trong việc cải tiến các dòng lốp theo tiêu chí an toàn cho người sử dụng. 

Làm ra một sản phẩm không khó nhưng để có một sản phẩm mang lại giá trị thì không đơn giản và điều đó cần một tấm lòng tốt, cần sự thành thật từ tâm của mỗi người, mỗi bộ phận sản xuất, mỗi ban lãnh đạo.

Theo doanhnhansaigon.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây