Hành trình xây căn nhà mơ ước trong những chuỗi ngày khó khăn nhất
Võ Thị Trân Trân, sinh năm 1990, quê ở Đắk Lắk. Như biết bao người trẻ khác, Trân rời quê hương vào thành phố Hồ Chí Minh bươn chải làm ăn. Cuộc sống mưu sinh đã vất vả, đại dịch Covid-19 hồi năm 2021 đã khiến Trân dường như rơi vào tuyệt vọng.
“Tôi nhớ như in những tháng ngày ấy, lo lắng, hoang mang. Nhà máy điện lạnh tôi đang làm việc buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh. Tôi không còn khoản thu nhập nào khác. Thật may mắn là khi ấy mẹ tôi đã ngay lập tức gửi đồ ăn từ quê lên tiếp tế cho tôi. Tôi cảm thấy mình vẫn may mắn hơn mọi người rất nhiều”, Trân chia sẻ.
Cô ấy 9x kể lại, thời gian khó khăn kéo dài trong suốt 5 tháng, cơ duyên buôn bán đến thật tình cờ: “Hồi ấy giãn cách ai cũng khó khăn, không chỉ về nguy cơ nhiễm bệnh mà đặc biệt khó khăn về lương thực. Hôm ấy tôi quyết định đăng lên nhóm chợ online trên Facebook bán bún riêu Đắk Lắk mẹ gửi vào. Không ngờ chỉ trong một ngày đăng bán, tôi đã chốt được hơn 100 kg bún riêu. Mọi người ủng hộ rất nhiệt tình, từ đó tôi cũng bén duyên với nghề bán hàng online”.
Việc kinh doanh của Trân có sự hậu thuẫn và ủng hộ vững chắc từ gia đình. Cô quyết định mở rộng buôn bán. “Vì tôi bán hàng đặt cái tâm lên hàng đầu, bán sản phẩm trước sau đều chất lượng nên số khách hàng mua lại rất nhiều, mọi người cũng quảng cáo giúp nữa. Trong gần năm tháng dịch bệnh ấy, tổng thu nhập của tôi lên đến 600 triệu – một con số tôi và gia đình không ngờ tới”, Trân nói.
Với số tiền kiếm được, Trân quyết định xây dựng căn nhà mà mình hằng mơ ước ở chính quê hương Đắk Lắk của mình. “Tôi dành thời gian cùng gia đình bàn bạc, tìm hiểu về giá cả vật liệu, tiền công thuê thợ, giá nội thất… Vì có đất sẵn ở quê rồi nên tổng chi phí xây dựng căn nhà là 400 triệu, tôi dùng 200 triệu còn lại mua sắm nội thất”, Trân chia sẻ.
“Đứng ở xa” nhìn ngôi nhà từng ngày hoàn thiện
Toàn bộ quá trình xây dựng căn nhà Trân đều trông cậy vào gia đình ở quê vì bị kẹt lại ở thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi gọi điện cho gia đình, chia sẻ mong muốn xây nhà của mình. Gia đình từ lâu đã biết đó là ước mơ tôi ấp ủ từ lâu nên cũng rất ủng hộ”, cô kể lại. “Chúng tôi cùng nghiên cứu về các dáng nhà, về cách xây dựng sân nhà, cách bài trí nội thất… Tất cả đều qua điện thoại”.
Anh rể của Trân khá hiểu biết về vật liệu xây dựng nên giúp cô chọn những vật liệu bền, đẹp nhất. Đồng thời, anh cũng giúp cô liên hệ nơi cung cấp vật liệu ở chỗ quen biết nên cũng phần nào giảm được chi phí và yên tâm hơn rất nhiều. Từng giai đoạn xây dựng nhà, mẹ của Trân đều chụp gửi cho con gái. “Tôi như được chứng kiến đứa con tinh thần của mình lớn lên từng ngày vậy”.
Dù buôn bán vất vả cả ngày nhưng hễ có thời gian rảnh, Trân đều lên mạng xem cách mọi người bài trí nội thất, trang trí sân nhà. “Thời gian đấy tôi chỉ mong mau chóng hết giãn cách để được về quê tự mình giám sát việc xây dựng”, Trân chia sẻ.
Căn nhà tối giản nhưng đầy đủ tiện nghi và luôn ấm cúng
Cô gái 9x chủ chương chọn phong cách tối giản cho căn nhà với tông xám-trắng chủ đạo. Đất ở quê rộng rãi là một trong những lợi thế để Trân thiết kế nhà theo đúng ý của mình. Cô xây dựng căn nhà sao cho tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên với cửa chính rộng kết hợp nhiều cửa sổ.
“Tuy để nhiều cửa sổ sẽ tốn nhiều chi phí hơn, về khung cửa, cánh của và trang trí rèm nữa. Nhưng tôi thấy điều đó thực sự đáng, không chỉ về thẩm mỹ mà còn về cảm giác thoáng đãng, không bí bách mà không gian mang lại”, Trân chia sẻ.
Với hơn 200 triệu đầu tư cho nội thất, căn nhà của Trân cơ bản đầy đủ mọi tiện nghi, các trang thiết bị hiện đại nhưng luôn mang lại cảm giác ấm cúng vì luôn có tiếng cười nói vui vẻ của các thành viên trong gia đình.
Rèm cửa và đồ nội thất với tông màu xám tạo cảm giác sang trọng nhưng không lạnh lẽo
Hiện tại, cô gái 9x đã nghỉ hẳn công việc tại nhà máy điện lạnh tại thành phố Hồ Chí Minh để tập trung cho việc kinh doanh của bản thân. Trân đã trở về quê hương Đắk Lắk để sinh sống cùng gia đình mình, trong ngôi nhà mà trước đây, cô nghĩ phải tích góp mấy chục năm mới xây dựng được. “Ngắm nhìn ngôi nhà nhỏ này, tôi biết bản thân cần cố gắng hơn nữa. Ai chẳng muốn được gắn bó với quê hương, có cơ hội gần gũi, chăm sóc cho gia đình mình”, Trân vui vẻ chia sẻ niềm hạnh phúc của bản thân.
DiễnĐoànDoanhNhân