Sếp nữ duy nhất của “Whose Chance” – 3 lần startup, từng phải vay tiền bà bán gạo để trả lương và giấc mơ mang tiếng Anh 5 sao đến với mọi trẻ em Việt

0
301

Nhờ có sự bền bỉ, kiên cường vượt khó cùng tầm nhìn chiến lược dài hạn đã giúp chị “hô biến” một công ty hoạt động trong lĩnh vực du học chỉ vỏn vẹn 20m2, 3 nhân sự cùng 1 chiếc máy tính thành Tập đoàn Giáo dục có uy tín và vị thế đặc biệt trong ngành.

Khởi nghiệp vào năm 2003 – khi mọi thứ vẫn nguyên sơ, chị Ngọc Lan tự nhận mình là thế hệ gen X startup theo kiểu “thiên nhiên”, bản năng và không được thị trường ưu đãi. Chị cho rằng, startup chính là người thầy tuyệt vời của cuộc đời. Chị đã phải tự đi tự mò đường, tự rút ra bài học sau những lần vấp ngã.

Nhờ có sự bền bỉ, kiên cường vượt khó cùng tầm nhìn chiến lược dài hạn đã giúp chị “hô biến” một công ty hoạt động trong lĩnh vực du học chỉ vỏn vẹn 20m2, 3 nhân sự cùng 1 chiếc máy tính thành Tập đoàn Giáo dục, có uy tín, vị thế đặc biệt trong ngành. Hiện tại, thương hiệu Five-Star English của Atlantic trở thành Trung tâm khảo thí ủy quyền của Đại học Cambridge Anh Quốc tổ chức kỳ thi tiếng Anh – Cambridge và là đối tác chính thức của British Council & IDP, là cố vấn học thuật phần thi tiếng Anh của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Ngọc Lan – Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Atlantic để hiểu hơn về hành trình khởi nghiệp đầy gian nan, cũng như triết lý kinh doanh: “Tiên phong và Phụng sự” trong Giáo dục – một lĩnh vực kinh doanh với nhiều đặc thù và vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ.

Dân kinh tế, nói tiếng Anh không sõi và hành trình “tay ngang” startup đầy gian nan

– Được biết chị là dân “tay ngang” startup lĩnh vực Giáo dục vào thời điểm thị trường còn hạn chế mọi mặt. Vậy đâu là những thách thức mà chị đã phải trải qua và chị đã xử lý như thế nào?

Tôi học Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Thương Mại. Như bạn đã biết, ở thế hệ X, Internet hay công nghệ hiện đại chưa phổ cập nên rất hạn chế về mặt thông tin. Thêm nữa, tôi khởi nghiệp năm 2003 là do sự thúc ép của anh trai đang làm việc tại Pháp, nhận thấy nhu cầu của học sinh Việt Nam muốn sang Pháp du học. Chứ tôi hoàn toàn vô tư, chưa có nhiều tính toán.

Số vốn ban đầu là 1.500 USD do anh trai từ Pháp cho mượn, nhân sự vỏn vẹn 3 người, có 1 chiếc máy tính để bàn to uỵch thời xưa và nơi làm việc là lối để xe máy của gia đình vỏn vẹn… 20m2. Có 3 khó khăn chính mà tôi phải đối mặt thời điểm đó:

– Hạn chế thông tin: Năm 2003 đã có Internet, có Mail, Yahoo. Tuy nhiên, thông tin trên website của các nhà trường rất hạn chế. Chính vì vậy, để đưa học sinh sang học tại bất kỳ quốc gia nào, tôi phải hợp tác với người Việt Nam đang học tập và sinh sống tại đó làm đại diện. Nhiệm vụ của họ là đi tham quan các trường, gặp Hiệu trưởng để trao đổi các vấn đề như: Cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, ngành học, môn học, phương pháp học, cơ hội việc làm,… Quá trình này rất kỳ công, tốn thời gian. Khi Atlantic có tầm ảnh hưởng, tôi và một nhân viên “key” bắt đầu tham dự những cuộc triển lãm giáo dục do Đại sứ quán tổ chức và chương trình của các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới.

– Ngộ nhận của phụ huynh: Phụ huynh thường mong đợi những điều quá tầm ở con mình. Đa số họ muốn con phát triển theo hướng học thuật, nghiên cứu khoa học, trong khi năng lực phù hợp với chương trình học tập khai phóng phát triển tối đa năng lực. Điều này có thể khiến cuộc đời các em bị dang dở nếu chọn lựa sai ngành, sai trường. Thấu hiểu khúc mắc đó, chúng tôi đã tư vấn chi tiết cho phụ huynh để họ nhìn nhận và đưa ra quyết định phù hợp. Cân bằng phụ huynh là cả nghệ thuật, chứ không phải chuyện “một sớm, một chiều”.

– Hạn chế ngoại ngữ: Tôi thuộc thế hệ 7x học chương trình tiếng Nga, lên Đại học mới được học tiếng Anh. Tôi là người Hà Nam phát âm tiếng địa phương, nên khả năng nói Tiếng Anh rất kém. Mỗi lần nói sai là các bạn lại cười, rất xấu hổ. Thêm nữa, lên Hà Nội học cũng là lần đầu tiên được hội nhập nên sự tự tin chưa cao. Chính hạn chế về ngoại ngữ trở thành động lực để tôi thành lập trung tâm Anh ngữ về sau.

– Nguồn vốn luôn là bài toán hóc búa đối với bất kỳ startup nào, chắc hẳn cũng không ngoại lệ với Atlantic Group?

Với 1.500 USD được anh trai cho mượn, tôi đã khởi nghiệp mô hình du học. Sau hơn 1 năm hoạt động, đến năm 2004 – 2005, tôi đã đạt được một số thành tựu nhỏ. Nhưng cũng chính vào giai đoạn này, khủng hoảng ập tới.

Với tôi, những khái niệm về dòng tiền, P&L (báo cáo lãi lỗ), vòng đời sản phẩm, quản lý nhân sự, quy tắc ứng xử,… là con số 0 tròn trĩnh. Doanh thu công ty tốt nhưng quản lý kém, không có tầm nhìn dài hạn, không có tư duy tài chính, không lường trước tình hình doanh nghiệp cũng như đồ thị hình sin. Cùng với đó cơ chế thị trường biến đổi khiến công ty rơi vào khủng hoảng. Tôi không có tiền trả lương 10 nhân viên. Và sau đó, mẹ đã giúp tôi vay người bán gạo vài cây vàng để cứu công ty.

– Người bán gạo đã giúp đỡ chị khi hoạn nạn, đằng sau câu chuyện là lòng biết ơn, sự sẻ chia. Phải chăng đây chính là giá trị xuyên suốt của Atlantic? Nếu được gửi một câu tới vị ân nhân năm xưa, chị sẽ nói điều gì?

Gặp khó khăn đầu tiên, tôi chỉ biết kể lể cho bố mẹ. Mẹ rất thương, tìm cách hỗ trợ bằng cách thế chấp nhà để vay tiền nhưng gặp trục trặc nên không được giải ngân. Rồi mẹ tôi khóc, tâm sự với bà bán gạo, bà ấy thấy thương quá nên cho vay vài cây vàng. Thời điểm đó, giá vàng khoảng 400.000 – 500.000 VNĐ/cây.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn vì lòng tốt vô tư của bà. Bà không hề kỳ vọng tôi sẽ thành công hay trả đáp ân huệ. Bà đồng cảm vì bà cũng là một người mẹ, cũng xót xa, nóng lòng khi thấy con cái gặp khó khăn. Sau này khi thành công, vào dịp lễ Tết, tôi thường tới thăm và biếu quà tới bà. Nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ bà kể công ân huệ hay kể lể với mọi người. Không có bà sẽ không có tôi của ngày hôm nay. Bà chính là quý nhân của tôi và giờ bà đã không còn.

“Sinh sau, đẻ muộn” không đáng sợ bằng việc startup không giải quyết “nỗi đau”, tạo nên dấu ấn riêng biệt 

– Hoạt động đầu tiên của Atlantic Group là hỗ trợ du học và gặt hái được nhiều thành công. Đến năm 2015, tức là sau 12 năm, chị mới xây dựng trung tâm Anh ngữ, chị có nghĩ mình “chậm nhịp” hơn so với các đơn vị khác?

Giai đoạn năm 2011 – 2015 là thời kỳ đỉnh cao của Atlantic. Năm 2011, Nhật Bản bị động đất, sóng thần và để hỗ trợ họ, người dân Việt Nam ủng hộ rất nhiều tiền vào hộp cứu trợ. Điều này khiến chính phủ Nhật Bản cảm động, trả ơn bằng cách đón nhận học sinh sang du học. Riêng Atlantic hỗ trợ khoảng hơn 1000 học sinh sang Nhật, trở thành công ty top đầu về du học thời điểm đó.

Đến năm 2015, tôi nhận thấy du học tồn tại nhiều hạn chế. Chứng kiến cảnh các em học sinh Việt Nam đi nước ngoài học tập nhưng bị sốc văn hóa, sốc ngôn ngữ, sốc phương pháp học tập. Đặc biệt cú sốc ngôn ngữ khiến các em bị bỏ lại phía sau, khủng hoảng tâm lý. Vì thế, tôi lao vào startup lần 2 – “xây” trung tâm Anh ngữ giống mô hình trường quốc tế nhằm trang bị cho các em kỹ năng và kiến thức ngoại ngữ để hội nhập quốc tế một cách dễ dàng.

Startup lần 2 trong bối cảnh các trung tâm Anh ngữ bị bão hòa. Tôi gia nhập thị trường với nhiều biến động, chứ không thuận lợi. Nhưng ở lần này, tôi làm việc bài bản hơn lần trước, tập trung nghiên cứu thị trường, các trung tâm Anh ngữ khác, nghiên cứu những điều họ làm được, chưa làm được để có giải pháp cụ thể và tạo nên sự khác biệt.

– Và “Tiếng Anh 5 sao” hẳn là một lối đi riêng biệt, độc đáo mà chị kỳ vọng mình sẽ thành công. Vì sao chị lại có ý tưởng mở trung tâm ngoại ngữ thương hiệu “Tiếng Anh 5 sao”? 

Tôi xây dựng chiến lược tại một resort 5 sao trong một tuần và không ngừng băn khoăn: “Tại sao có resort 5 sao, khách sạn 5 sao, nghỉ dưỡng 5 sao nhưng lại không có 5 sao trong giáo dục?”. Việc đầu tiên, tôi search tiêu chí của khách sạn 5 sao là gì. Và ra hàng loạt tiêu chí về diện tích, cơ sở vật chất, nhân viên,… Từ đó, tôi đặt ra 5 tiêu chuẩn riêng biệt của một trung tâm Anh ngữ 5 sao bao gồm: Giáo viên, chương trình, công nghệ, cơ sở vật chất, dịch vụ.

Tôi muốn khi học viên đến học, những giá trị 5 sao sẽ mang lại cảm hứng, yêu thích cho các em, từ đó mới học tập tốt. Và tại đây không chỉ đào tạo kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết tốt, lấy chứng chỉ tiếng Anh mà còn giúp các em ứng dụng được ngôn ngữ vào cuộc sống và công việc.

– Nhắc tới định nghĩa “5 sao”, mọi người đều liên tưởng tới cơ sở vật chất sang trọng đi kèm với học phí đắt đỏ. Vậy điều này có vô tình thu hẹp tệp khách hàng của Atlantic?

Đúng là định vị “5 sao” ban đầu sẽ khiến một số phụ huynh có tâm lý e dè nhưng chỉ cần có cơ hội thăm quan thực tế trung tâm và tìm hiểu chi tiết nội dung các hoạt động trong khóa học thì gần như phụ huynh đều thay đổi hoàn toàn nhận định ban đầu. Làm một vài so sánh nhỏ là phụ huynh sẽ thấy ngay, học phí đó thấp so với những gì học sinh được hưởng tại trung tâm. Đó là lý do nhiều phụ huynh là người lao động phổ thông bình thường vẫn sẵn sàng đăng ký cho con trải nghiệm và học tập. Hầu hết học sinh theo học tại trung tâm đều được phụ huynh truyền tai nhau giới thiệu.

Không dừng lại ở đó, cách đây 3 năm, chúng tôi còn ấp ủ một ước mơ lớn hơn đó là mang lớp học 5 sao tới tất cả học sinh trên mọi miền tổ quốc thông qua việc số hóa tất cả nội dung giảng dạy và đưa lên online. Dự án lớn này chúng tôi sẽ chính thức giới thiệu vào cuối năm nay.

– Thành công nối tiếp thành công như vậy, có lẽ Atlantic đã đi vào quỹ đạo ổn định, không còn gặp những biến cố?

Biến cố vẫn tới, đó là khi tôi tập trung đầu tư nhiều vào đào tạo chất lượng, quy định lớp học không quá 12 học viên, bắt buộc phải ở độ tuổi tương đồng. Khi học 4 buổi thì không được đưa thêm học sinh mới. Hay tiêu chuẩn về giáo viên, chương trình học. Mỗi lesson giảng dạy cùng trình độ nhưng 2 lớp khác nhau phải soạn lại giáo án. Cứ dạy 1 tiếng thì có 3 tiếng để soạn bài. Đầu tư đó không nhận được trái ngọt, ngay tức khắc doanh thu sụt giảm 60%.

Cùng với đó, thời điểm sau, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 3 năm phải sống trong bấp bênh, lo lắng. Tình thế lúc này buộc phải cắt giảm nhân sự, còn nhân sự “key” làm vất vả hơn, nhưng chỉ nhận 50% lương so với trước kia. Tôi đã phải bán rất nhiều tài sản như nhà cửa, đất đai,… để cứu con thuyền Atlantic, duy trì đội ngũ giảng viên, đội ngũ học thuật để khi mọi thứ bình thường sẽ không phải xây lại từ đầu.

Có thời điểm, mảng du học đang từ 59 nhân sự xuống còn 11 nhân sự. Còn mảng đào tạo, những nhân sự không còn yêu nghề, chưa đủ tâm huyết sẽ rời đi. Những người còn lại thực sự coi giáo dục là lẽ sống.

– Được biết trong thời điểm khó khăn, chị đã cho ra đời “Fsel – English Center in Your Pocket” – start up về mảng công nghệ giáo dục. Lần khởi nghiệp thứ 3 này có gian nan như 2 lần trước đó không, thưa chị?  

“Fsel – English Center in Your Pocket” là một sản phẩm công nghệ đưa tiếng Anh 5 sao đến với mọi vùng miền địa lý, kinh tế trên toàn quốc của Atlantic đang được tạo nên bởi team Gen Z. Hiện sản phẩm đang được thử nghiệm, tháng 3 chính thức đưa ra thị trường, tháng 6 công bố kết quả đo lường chất lượng. Đây là đứa con tinh thần mà tôi hào hứng, mong đợi phản hồi của khách hàng.

Ở ứng dụng này, tôi cùng đội ngũ tập trung xây dựng mô hình bài giảng online theo đúng tiêu chuẩn 5 sao của trung tâm Anh ngữ để các em không cần di chuyển, ngồi tại nhà vẫn có thể học tập tốt nhất. Giáo viên trên hệ thống công nghệ là những giáo viên top đầu trung tâm, một bài giảng trong 45 phút phải mất tới 7 tiếng để soạn giáo án. Vì thế, độ chỉn chu, kỳ công là rất cao.

– Sau dịch COVID-19, theo chị các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup cần có tâm thế ra sao trước những biến động?

Sau khi trải qua COVID-19, tôi đúc kết được rằng, thị trường có quá nhiều biến động, mơ hồ, hay tôi vẫn gọi là thời VUCA (volatility – biến động, uncertainty – không chắc chắn, complexity – phức tạp, ambiguity – mơ hồ). Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải đưa ra chiến lược linh hoạt, cần theo kịp tốc độ thay đổi của khách hàng vừa phải nhanh hơn đối thủ. Sự linh hoạt là yếu tố khác biệt mới.

“Thà để người khác hại mình chứ không bao giờ hại người” – Triết lý kinh doanh xuyên suốt

– Kinh doanh Giáo dục luôn là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến giá trị đạo đức và lợi nhuận doanh nghiệp. Chị đã áp dụng nguyên tắc nào để đảm bảo cả 2 yếu tố trên?

Khi gia nhập vào Atlantic, nhân viên cần tham gia nhiều khóa đào tạo, gồm đào tạo chuyên môn và đào tạo hội nhập.

Trong đó, đào tạo hội nhập có khóa “King of sale” (kỹ năng bán hàng). Còn đào tạo văn hóa tập trung truyền tải 2 thông điệp chính: Nhân viên phải là người hạnh phúc và muốn là người hạnh phúc thì phải tử tế. Tôi thường chia sẻ với nhân viên về triết lý sống: “Thà để người khác hại mình chứ không bao giờ hại người”, hay “Bàn tay cho hoa hồng, tự nó thơm”.

Còn với nhân viên sale thì cần hiểu rõ sản phẩm/dịch vụ mang lại lợi ích, đạt được hiệu quả, mục tiêu với khách hàng ra sao. Nếu sản phẩm/dịch vụ của chúng tôi không thoả mãn điều đó thì nhân viên phải giới thiệu họ sang cơ sở khác tốt hơn. Chúng tôi luôn lấy lợi ích khách hàng làm trọng tâm.

– Atlantic Group được biết tới có nhiều dự án thiện nguyện, phải chăng đây là cách giúp ích cộng đồng bền vững, phổ cập giáo dục, phổ cập tiếng Anh của tập đoàn?

Khi làm công việc giáo dục, tôi đã tập hợp được những con người có tâm, muốn có những đóng góp giá trị cho cộng đồng. Chính vì thế, Atlantic triển khai nhiều dự án nhân văn, thiết thực như: Dự án đào tạo cho giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội về mặt thông tin, phương pháp giảng dạy mới. Đây là dự án rất tâm huyết của chúng tôi bởi “giáo viên tốt mới tạo được học trò tốt”.

Ngoài ra còn có nhiều dự án khác như hỗ trợ giảng dạy cho học sinh khó khăn, con thầy cô giáo khi học tập tại Atlantic sẽ được nhận các chính sách hỗ trợ từ 50% – 100% học phí.

– Thời gian gần đây, chị tham gia chương trình truyền hình “Cơ hội cho ai? – Whose Chance” với vai trò Sếp lớn. Vậy điều gì khiến chị đưa ra lựa chọn này ?

Tôi đã xem hết mùa 4 gồm 12 tập của chương trình và khá ấn tượng với các thí sinh. Các bạn ấy đều là người cá tính, có khả năng giao tiếp tốt, tự tin, nền tảng kiến thức ổn, chi phí lương cạnh tranh. Vì thế, tôi muốn thông qua chương trình để tìm kiếm anh tài cho doanh nghiệp của mình.

Ngoài ra, tôi muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ tham gia vào các lĩnh vực bền vững như Giáo dục, Công nghệ với sứ mệnh “Giáo dục Việt cho tương lai Việt”.

– Chiến lược của chị trong việc giành ứng viên tiềm năng với các vị Sếp khác là gì? Ngoài đánh giá chuyên môn của ứng viên, đâu sẽ là những tiêu chí để chị nhận ra đó là ứng viên ưu tú, có thể đi đường dài với doanh nghiệp?

Hiện 50% nhân sự của Atlantic là người nước ngoài nên tiêu chí chọn lựa ứng viên của tôi hơi đặc biệt. Tôi mong muốn tuyển dụng những bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường giáo dục, ngoại ngữ tốt, có tố chất gần nhất với văn hóa Atlantic, cùng giá trị sống, giá trị làm việc.

Ngoài ra, tôi muốn thế hệ gen Z phải là những người “Tiên phong – Phụng sự”.

– Thế hệ Gen Z thông minh, sáng tạo, tự tin, giỏi tiếng Anh, là cư dân bản địa số. Vậy đâu là những cách để Atlantic khai phá và hỗ trợ phát huy các điểm sáng đó?

Đầu tiên, chúng tôi truyền cảm hứng cho các bạn gen Z, phải nói để các bạn ấy hiểu thế hệ gen Z là người tiên phong, thay đổi và làm chủ thế giới. Nghe hơi hoài bão về lý tưởng nhưng gen Z rất thích làm chủ cuộc chơi. Gen Z phải là những người mơ lớn nhưng khi bắt tay vào việc phải thực tế, thực thi.

Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!

Theo Bài viết: Ứng Hà Chi – Ảnh: Việt Hùng – Thiết kế: Hà Mĩ

Nguồn: cafebiz.vn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây